3 lỗi thường gặp khi làm bài Lịch sử và cách khắc phục

Chuyên gia Lịch sử Tưởng Phi Thọ, trường Đại học sư phạm Tp, Hồ Chí Minh đã chia sẻ những lỗi thí sinh hay mắc phải khi làm bài môn Lịch sử và cách khắc phục.

3 lỗi thường gặp khi làm bài thi môn Lịch sử
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Những lỗi nào thí sinh hay mắc phải khi làm bài thi môn sử, cách ôn bài thế nào cho hiệu quả và nên chú ý những điểm gì khi làm bài là những nội dung chính trong phần chia sẻ của chuyên gia Lịch sử Tưởng Phi Thọ, đến từ khoa Sử, trường ĐH Sư Phạm Tp.HCM qua báo Người đưa tin.


1: Những lỗi thí sinh thường mắc phải

  • Một là, học không đủ thời gian, không đủ nội dung, học tủ.
  • Hai là, học theo kiểu “thuộc lòng” nên khó hiểu, lâu nhớ, mau quên.
  • Ba là, ít hoặc không tham khảo đề thi, đáp án của một vài năm trước nên thiếu kinh nghiệm làm bài.

2: Ôn bài như thế nào?
Phải học đủ nội dung cơ bản, không bỏ sót; không học tủ, không đoán mò. Không nên học thuộc lòng mà cần vạch ra các ý chính để trả lời cho mỗi mục, từng câu hỏi hay nội dung. Ví dụ:

. Đối với câu hỏi về diễn biến, quá trình (ví dụ, diễn biến của Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945 …), nên chọn sự kiện ứng với các mốc mở đầu, đỉnh cao, kết thúc và một số sự kiện quan trọng khác rồi trình bày chúng theo trình tự thời gian.

. Đối với câu hỏi về nội dung (cương lĩnh, hiệp định, chính sách) cần có đủ các ý ở dạng tóm tắt. Ví dụ, nội dung cơ bản của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của ĐCSVN gồm các ý: đường lối, nhiệm vụ, lực lượng, lãnh đạo, quan hệ quốc tế cùng với ý kiến đánh giá về Cương lĩnh.

. Về nguyên nhân thắng lợi, có thể tóm tắt các ý 1, 2, 3 … hoặc gọi tên các ý. Ví dụ, hai nguyên nhân thành công của CMT8 năm 1945 là khách quan và chủ quan. Bốn nguyên nhân thắng lợi của KCCP (và cả KCCM) thuộc về vai trò của Đảng ta, dân ta, hậu phương và quốc tế.

. Về ý nghĩa lịch sử (tức là tác dụng) thì tùy theo từng sự kiện. Ví dụ, ý nghĩa thắng lợi của một cuộc cách mạng hay kháng chiến thường có hai ý lớn: một là, đối với dân tộc (gồm 2 ý nhỏ là thắng lợi đó kết thúc cái gì và mở ra cái gì); hai là, đối với quốc tế (cũng gồm 2 ý nhỏ là thắng lợi đó tác động ra sao đến các lực lượng cách mạng và phản cách mạng khu vực và quốc tế) …

Sau khi vạch ra các ý, các em gấp sách, vở lại rồi luyện nói đầy đủ các ý đó theo ngôn ngữ của mình đến khi nhớ thì thôi. Không cần nói giống hệt câu chữ SGK, miễn đúng là được. Tham khảo đề thi, đáp án vài năm gần đây để biết liều lượng trình bày thế nào là vừa. Hai bạn cùng học, nói cho nhau nghe sẽ có kết quả tốt.

Đề thi kiểm tra xem thí sinh biết và hiểu đến đâu. “Biết” là trình bày đúng những sự kiện cơ bản của một quá trình (đấu tranh, xây dựng) hay những nội dung cốt yếu của một đường lối, chính sách, văn kiện. “Hiểu” là giải thích, phân tích, tổng hợp, đánh giá được những sự kiện, nội dung ấy theo yêu cầu của đề bài. Đề cũng có thể yêu cầu thí sinh nhận diện sự kiện lịch sử sau khi cho biết đặc điểm, ý nghĩa của sự kiện đó. Ví dụ, hội nghị nào của Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh? hay trong KCCP, bộ đội ta đã giành được thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính sau chiến thắng quân sự nào? … Vì vậy, thí sinh không chỉ nhớ các sự kiện lịch sử cơ bản đã diễn ra như thế nào mà còn phải nắm vững đặc điểm, ý nghĩa của chúng.

Nên so sánh để tránh nhầm lẫn các sự kiện. Ví dụ, so sánh nội dung, ý nghĩa Cương lĩnh chính trị (tháng 2/1930) với Luận cương (tháng 10/1930) của Đảng ta; hội nghị TƯ tháng 11/1939 với hội nghị TƯ 8, tháng 5/1941; chiến dịch Việt Bắc (1947) với chiến dịch Biên giới (1950); hiệp định Genève (1954) với hiệp định Paris (1973) …

Cũng cần nắm vững các thuật ngữ, khái niệm (như “khởi nghĩa”, “kháng chiến”, “quân chủ”, “cộng hòa”, “hội nghị”, “đại hội” …) để dùng cho đúng. Trong kỳ thi TSĐH năm 2007, nhiều thí sinh đành bỏ câu nhiều điểm nhất vì không hiểu “quyền dân tộc cơ bản” nghĩa là gì (!).

3: Những điều cần chú ý khi làm bài

  • Đọc kỹ đề bài để xác định đúng yêu cầu (về nội dung, phạm vi …), tránh lạc đề.
  • Nên làm nháp để sắp xếp kiến thức theo trình tự, biết được các ý thiếu, đủ ra sao và phân phối thời gian hợp lý cho mỗi câu. Có thể làm câu dễ trước, câu khó sau, nếu được phép.
  • Trả lời thẳng vào yêu cầu của từng câu hỏi.
  • Sau khi trình bày xong nội dung ở mỗi câu, nên có kết luận ngắn.
  • Không nên ra về sớm để tận dụng hết thời gian đọc lại, bổ sung, sửa chữa bài làm.
Phan Chính – Người đưa tin

Các bạn like Page Góc Khối C trên Facebook để cập nhập những bài mới nhất nhé, link Page của Góc Khối C trên Face đây https://www.facebook.com/GocKhoiC  :)

Chia Sẻ Là Niềm Vui

Bài Viết Liên Quan

Bài Trước
« Bài Trước
Bài Sau
Bài Sau »